Di sản Suleiman I

Lãnh thổ của đế quốc Ottoman từ năm 1300 đến 1683, trong đó có miêu tả phần lãnh thổ mà Suleiman I chinh phạt được.

Theo Thomas Keightley, Đại đế Suleiman I là vị vua vĩ đại nhất của đế quốc Ottoman.[92] Có người đã so sánh ông - một vị Hoàng đế tài ba trong thời gian chiến tranh và hoà bình - với Charlemagne.[2] Dưới triều ông, quốc gia Ottoman trở thành một trong những cường quốc trên thế giới về mặt diện tích, tài chính và có sực mạnh quân sự vô địch.[93] Các cuộc bành trướng của Suleiman đã giúp đế quốc kiểm soát được nhiều thành phố quan trọng và nổi tiếng của Hồi giáo: Mecca, Medina, Bagdad; phần lớn Bắc Phi và nhiều vùng đất rộng lớn tại bán đảo Balkan (ngày nay là một phần của Hungary, CroatiaRomânia). Với việc ông thêm ngôi mộ của nhà tiên tri Muhammad tại Mecca vào Đế quốc của mình, ông đã xưng làm Padishah-i-Islam, tức "Hoàng đế của Hồi giáo".[19] Các cuộc chinh phạt của ông tại Balkan đã khiến người Thổ Ottoman trở thành một liệt cường đáng gờm trên cán cân quyền lực tại châu Âu. Đại sứ Busbecq đã nhận xét về "mối họa xâm lược của quân Thổ Nhĩ Kỳ" như sau:[94]

Về phía người Thổ Nhĩ Kỳ là một nguồn tài nguyên dồi dào của một đế quốc hùng mạnh, có sức mạnh không thể bị suy suyển, bách chiến bách thắng trong chiến tranh, dai sức với gian khổ, thống nhất, kỷ luật, cần kiệm và cẩn mật… Thử đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta?… Khi người Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hòa ước với Ba Tư thì họ sẽ lao thẳng vào cổ họng chúng ta với toàn bộ sức mạnh Đông phương; thật là một sự kém chuẩn bị mà chúng ta không dám nói…

— Busbecq
Türbe (lăng tẩm) của Suleiman I tại thánh đường Hồi giáo Süleymaniye.

Thành tích của ông không chỉ được thể hiện trên mặt quân sự. Jean de Thévenot - nhà du hành người Pháp trong một thế kỷ sau đã chứng kiến "một nền tảng nông nghiệp vững chắc của đế quốc, đời sống tốt của người nông dân, sự dồi dào của nông sản và sự ưu việt của tổ chức chính quyền nhà Ottoman".[95] Những cải cách của Đại đế Suleiman I không những đã mang lại cho ông danh hiệu "Nhà làm luật" mà còn góp phần rất lớn cho sự trường tồn của đế quốc Ottoman sau khi Đại đế Suleiman I qua đời, một thành tựu mà "phải mất đến mấy đời vua sa đoạ sau mới phá hoại được".[96]

Dưới sự bảo trợ của ông, nghệ thuật, kiến trúc, văn học, triết học và thần học của đế quốc Ottoman cũng đạt đến thời kì hoàng kim.[5][97] Ngày nay, đường chân trời ở Bosphorus, và nhiều thành phố của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc là từng thuộc đế quốc Ottoman xưa vẫn còn tồn tại những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của Mimar Sinan. Một trong số đó là Thánh đường Hồi giáo Süleymaniye chính là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại đế Suleiman I và Hürrem Sultan; họ được mai táng ở hai gian phòng khác nhau trong ngôi thánh đường này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Suleiman I //nla.gov.au/anbd.aut-an35812390 http://www.bartleby.com/67/794.html http://www.bartleby.com/67/795.html http://books.google.com/books?id=KrsmNygcbNgC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Ovg_RQlklU4C&pg=P... http://books.google.com/books?id=UVmsI0P9RDUC&pg=P... http://books.google.com/books?id=neUKEvaYPZYC&pg=P... http://www.jimdiamondmd.com/malta_history.htm http://www.malta.com/about-malta/history-of-malta.... http://uk.encarta.msn.com/encyclopedia_761575054_2...